Viêm mô tế bào ở răng miệng là gì?

0
1109

Viêm mô tế bào là gì?

Mô tế bào là loại mô liên kết lỏng lẻo, nếu bị viêm nó lan tỏa ở mô mềm chứ không giới hạn như abces. Viêm có thể tụ tại chỗ hay lan tỏa khắp mô tế bào ở vùng  mặt. Nguyên nhân thường do răng bị tủy thối vì sâu hoặc chấn thương tạo nên các sang thương quanh chóp gốc răng như u hạt, abces, u nang… hoặc do viêm quanh thân răng lúc mọc răng khôn, viêm nha chu, sang chấn.

Không có loại vi trùng đặc biệt nào gây ra viêm mô tế bào mà là tất cả loại vi trùng thường gặp trong miệng như tụ cầu, liên cầu, xoắn trùng, vi trùng kỵ khí. Mô tế bào bị viêm khi bị mủ xâm nhập trực tiếp, hoặc do độc tố của vi khuẩn, hoặc do nhiễm trùng lan truyền qua đường bạch huyết. Có thể phân ra viêm mô tế bào tụ và lan tỏa.

Viêm mô tế bào tụ dấu hiệu và biện pháp điều trị

Thường gặp nhất có các thể bệnh cấp tính, bán cấp, mạn tính và hoại thư.

Viêm có huyết thanh

(viêm mô tế bào mọng) là giai đoạn đầu tiên của viêm mô tế bào tụ, có rối loạn tuần hoàn [co mạch, giãn mạch] và thoát huyết thanh.

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng toàn thân không rõ ràng.

Triệu chứng tại chỗ: sưng che lấp các rãnh và lõm trên mặt, mặt sưng nhiều hay ít tùy vị trí răng nguyên nhân và độc tính loại vi khuẫn, da căng bóng, sờ hơi nóng, đỏ ít, không đau lắm, không in dấu ngón tay.

Chẩn đoán

Xác định: dựa vào tiền sử bệnh có răng đau…

Phân biệt: viêm do đinh râu, sang chấn do dị vật xuyên qua niêm mạc, viêm xương hàm, viêm hạch…

Tiến triển: khỏi sau vài ngày nếu răng nguyên nhân được điều trị hoặc tiến sang giai đoạn có mủ.

Điều trị

chữa nội nha bảo tồn răng hoặc  nhổ răng nguyên nhân tùy thể trạng bệnh nhân và từng trường hợp cụ thể.

Viêm tấy [phlegmon] có mủ

(viêm mô tế bào tấy) khi bệnh tiến triễn đến giai đoạn này các triệu chứng toàn thân và tại chổ thể hiện rõ ràng hơn.

Triệu chứng

Toàn thân: sốt cao, mạch nhanh, nhức đầu [mủ bắt đầu gom tụ lại thì bớt sốt].

Tại chỗ: mặt sưng tấy, da đỏ, sờ nóng, đau nhiều liên tục, không há miệng rộng được, hơi thở hôi. Đối với hàm dưới khi răng nguyên nhân càng về phía sau tình trạng cứng khít hàm [trismus] càng nặng, đau mất ăn  mất ngủ uống thuốc cũng không đỡ làm thể trạng suy sụp. Lúc đầu khó thấy dấu hiệu chuyển sóng biểu hiện sự tụ mủ.

Chẩn đoán

Xác định: dựa trên tiền sử có răng đau, vị trí khối sưng tấy có liên quan đến răng nguyên nhân.

Phân biệt

Ở hàm dưới có thể lầm với viêm tấy vùng sàn miệng do tắt ống nước bọt Wharton, nang nhái có mủ, viêm hạch dưới hàm. Ở hàm trên vùng răng nanh viêm lan đến mi mắt dưới có thể nhầm với viêm túi lệ.

Tiến triển

khi mủ thoát ra ngoài qua da hoặc niêm mạc trong miệng tạo thành lổ dò bệnh sẽ đỡ nhưng nếu răng nguyên  nhân không được chữa sẽ tái phát tiến đến giai đoạn mãn tính. Nếu thể trạng bệnh nhân suy sụp hoặc độc tố vi trùng mạnh sẽ gây ra những biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, viêm lan tỏa, viêm cốt tủy…

Điều trị

Phối hợp điều trị toàn thân và tại chỗ. Dùng kháng sinh liều cao nên dùng kháng sinh đồ để có loại kháng sinh hữu hiệu, chú ý nâng cao thể trạng. Giải quyết răng nguyên nhân, đối với trường hợp tái phát nên nhổ càng sớm càng tốt.

Sau khi nhổ mặc dù một phần mủ đã thoát ra ngoài theo ổ răng một phần mủ vẫn còn đọng lại cho nên phải rạch tháo mủ, nếu bệnh tiến triển sang vùng lân cận phải tiếp tục  rạch abces để dẫn lưu mủ. Khi bệnh kéo dài hoặc không thuyên giảm chú ý đến các nguyên nhân như u hạt, viêm cốt tủy hàm, do răng bên cạnh răng nguyên nhân cũng bị tủy chết hoặc những nguyên nhân gây suy nhược cơ thể.

Nguồn: https://duoclieungocchau.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here