Đau răng khôn và những điều cần lưu ý

0
436

Đau răng khôn bao lâu thì hết? Phải làm gì để hết đau khi mọc răng khôn?… Chúng có nguy hiểm gì mà ai cũng khuyên nhổ bỏ như vậy? Nếu không nhổ thì có sao không? 

Dưới đây là câu trả lời cho 7+ thắc mắc mà hầu hết mọi người khi đến khám răng miệng đều hỏi các nha sĩ. Mong rằng với những giải đáp này bạn sẽ hiểu rõ hơn về răng khôn và gạt bỏ được những lo lắng, hoài nghi kể trên.

1. Triệu chứng mọc răng khôn

Răng khôn hay còn gọi là răng số 8. Đây là chiếc răng cối thứ 3 nằm cuối cùng của hàm. Phần lớn khi mọc răng khôn bạn sẽ có các dấu hiệu điển hình như:

  • Xuất hiện trong độ tuổi trưởng thành 17 – 25 tuổi.
  • Đau nhức ở vị trí trong cùng của khoang miệng, sau răng hàm trong cùng.
  • Có thể quan sát thấy mầm răng trắng bắt đầu nhú ra khỏi nướu. Nhất là khi đau nhức răng khôn hàm dưới.
  • Kèm theo sưng viêm, đỏ đau tại vị trí mọc răng.

Răng khôn thường xuất hiện trong độ tuổi trưởng thành 17 – 25 tuổi

Tuy nhiên, nếu như bạn đã ngoài 25 tuổi mà không thấy xuất hiện dấu hiệu nào kể trên thì có thể:

  • Bạn rơi vào trường hợp mọc răng khôn nhưng không đau. Đồng thời răng khôn còn ở dưới lợi hoặc mọc ở vị trí hàm trên nên khó quan sát thấy.
  • Răng khôn mọc muộn. Không ít trường hợp 30 tuổi mọc răng khôn hoặc thậm chí muộn hơn. 
  • Bạn thuộc nhóm người thiếu một, nhiều hoặc cả 4 chiếc răng khôn. Và tình trạng này hết sức bình thường bạn nhé!

Không phải ai cũng mọc răng khôn

Bên cạnh những người khổ sở vì đau nhức răng khôn, thậm chí đau răng khôn không ngủ được thì không mọc răng khôn cũng khiến một số người lo lắng và tự hỏi có điều gì bất thường đang diễn ra hay không. Chỉ mong răng khôn mọc nhanh, mọc hết một lần cho xong.

Tuy nhiên theo thống kê, trên thế giới có khoảng 5 – 37 % tỷ lệ người bị thiếu một, nhiều hoặc cả 4 chiếc răng khôn. Nguyên nhân có thể do di truyền hoặc chế độ ăn uống, chức năng nhai. Do đó nếu như bạn không mọc răng khôn hoặc chưa thấy mọc đủ số răng khôn cần thiết, không có các triệu chứng đau nhức khó chịu nào kèm theo thì bạn không cần lo lắng quá nhé! Tuy nhiên, để tránh trường hợp răng khôn mọc lệch, mọc ngầm ở dưới không gây đau mà ta chưa nhận biết được, bạn cũng đừng nên chủ quan nhé.

Khi đến tuổi trưởng thành, chúng ta vẫn nên đi chụp X – quang răng để xác định tình trạng răng mọc của mình. Đây có thể coi là cách xác định mọc răng khôn chính xác nhất.  

2. Tại sao mọc răng khôn lại đau?

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:

  • Để mọc lên, răng khôn cần “phá vỡ” bề mặt nướu và “tìm chỗ đứng” cho mình trong khoang miệng vốn đã chật chội, cứng chắc và ổn định. Do đó khi mọc chúng có thể bị kẹt lại dưới nướu và gây viêm lợi trùm, mọc lệch chen chỗ gây chèn ép răng hàm số 7 bên cạnh,…
  • Răng khôn ở vị trí dễ gặp phải các vấn đề răng miệng nghiêm trọng. Vì ở sâu bên trong nên răng khôn là nơi dễ tích tụ các thức ăn dư thừa, đồng thời khó làm sạch nên rất dễ hình thành các mảng bám và là vị trí lý tưởng cho vi khuẩn và vi sinh cư ngụ. Do đó, răng khôn rất dễ gặp phải các bệnh lý răng miệng như: sâu răng, hôi miệng, sâu vào tủy răng khôn, viêm chân răng khôn (viêm chân răng số 8), áp xe răng, bệnh nướu răng,.. Từ đó không chỉ gây đau răng khôn mà còn có thể lan đến các răng bên cạnh, điển hình là răng hàm số 7. Bạn có thể gặp phải tình trạng mọc răng khôn bị sưng má, nuốt nước bọt cũng gây đau răng,…

Răng khôn mọc lệch, chèn ép răng hàm số 7 bên cạnh dẫn đến đau đau răng khôn, thậm chí viêm tủy

3. Mọc răng khôn đau mấy ngày?

Mọc răng khôn đau bao lâu, đau mấy ngày còn phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng của răng và việc can thiệp của bạn. 

3.1. Nếu răng khôn chưa bị sâu

Nếu chiếc răng khôn của bạn chưa bị sâu. Cơn đau nhức xuất hiện chủ yếu do viêm lợi trùm (vùng lợi xung quanh răng khôn bị sưng lên, viêm nhiễm) thì tình trạng này có thể kéo dài 7 – 10 ngày hoặc lâu hơn. Sau đó sẽ tự hết. 

Nếu kết hợp với việc sử dụng kháng sinh và vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Nhất là tại vùng nướu bị viêm thì nỗi đau mọc răng khôn này sẽ được rút ngắn chỉ còn khoảng 2 – 5 ngày.

Tuy nhiên, tình trạng đau lợi răng khôn này sẽ tái đi tái lại vài tháng/ lần và chỉ thực sự chấm dứt khi chiếc răng khôn của bạn được mọc lên hoàn toàn. 

3.2. Nếu đau răng khôn bị sâu

Nếu răng khôn của bạn bị sâu. Sẽ thật nguy hiểm nếu chúng đã lan sâu xuống vùng tủy răng. Lúc này, cơn đau có thể kéo dài hàng tháng trời, đau dữ dội về đêm và không thể tự hết nếu không có sự can thiệp của nha sĩ. 

Răng khôn rất dễ bị sâu và tiến triển nặng nhanh hơn răng hàm thông thường. Nên để phòng tránh biến chứng nguy hiểm này, nhổ bỏ răng khôn ngay từ đầu là cách được nhiều nha sĩ khuyến khích. 

Hoặc nếu chưa có điều kiện thuận lợi để nhổ bỏ chúng thì bạn càng phải chú ý hơn đến thói quen vệ sinh răng miệng của mình. Việc đánh răng đúng cách, lựa chọn kem đánh răng có các thành phần hỗ trợ phòng ngừa sâu răng (Fluor, muối, đinh hương,…), sử dụng chỉ nha khoa,… sẽ giúp bạn chăm sóc răng miệng tốt và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm do mọc răng khôn gây ra.  

Hiện nay, sử dụng kem đánh răng từ các thành phần dược liệu phối hợp đang được nhiều nha sĩ ủng hộ. Bởi ngoài tác dụng làm sạch, an toàn, thân thiện với răng nướu con người, nhiều thành phần dược liệu còn cho tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, hỗ trợ giảm đau tại chỗ như: đinh hương, cam thảo, lô hội, một dược, hoa hòe,…

4. Cách giảm đau khi mọc răng khôn tại nhà

Cách 1: Chườm nước đá

Giảm đau răng khôn bằng cách chườm đá lạnh

Đây là cách giảm đau nhức răng khôn nhanh chóng tại nhà mà bạn có thể áp dụng. Bạn chỉ cần đặt một vài viên đá lạnh vào một chiếc khăn mềm. Sau đó áp vào vùng má nơi răng khôn bị đau. Nhiệt độ thấp sẽ có tác dụng gây tê và giúp bạn loại trừ cơn đau tại chỗ.

Cách 2: Súc miệng với nước muối ấm

Đau nhức răng khôn hay đau răng số 8 xuất hiện là do răng và khu vực quanh răng vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm, sưng tấy. Do đó, việc “khử trùng” khu vực này rất quan trọng.

Vì muối có có đặc tính kháng khuẩn, giảm viêm tốt. Nên súc miệng với nước muối loãng sẽ giúp bạn giảm bớt vấn đề nhiễm trùng và sự khó chịu do đau nhức răng khôn gây ra. Bạn có thể thực hành điều này 2-3 lần/ ngày hoặc nhiều hơn nhé! 

Cách 3: Sử dụng tinh dầu đinh hương

Tinh dầu đinh hương giúp hỗ trợ giảm đau viêm răng khôn (viêm răng số 8)

Nếu như bạn thường xuyên bị các cơn đau nhức răng tấn công thì tinh dầu đinh hương chắc chắn là cái tên mà bạn cần biết đến. Ngoài đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, đinh hương còn cho tác dụng gây tê, giảm đau tại chỗ nên sẽ giúp bạn đẩy lùi cơn đau nhức răng. Đây cũng là cách giảm đau răng khôn bị sâu nhanh và hiệu quả hơn so với nước muối thông thường.

Cách 4: Sử dụng tỏi

Từ lâu, tỏi đã được biết đến là một kháng sinh tự nhiên tuyệt vời. Tuy nhiên, bạn nên nghiền nát hoặc thái lát mỏng nhánh tỏi. Sau đó đợi khoảng 30s – 1 phút trước khi chà nhẹ lên vị trí răng khôn để giảm cơn đau nhức. 

Bởi tác dụng có lợi này trong tỏi phần lớn đến từ allicin. Nhưng hoạt chất này không có sẵn trong tỏi tươi mà được hình thành sau khi tỏi được nghiến nát hoặc cắt nhỏ. Lúc này, có một loại enzyme là allinase sẽ được giải phóng và tương tác với anillin – chất có sẵn trong tỏi để tạo thành allicin.

Cách 5: Sử dụng thuốc giảm đau khi mọc răng khôn

Để trả lời cho câu hỏi đau răng khôn uống thuốc gì được? Bạn có thể tham khảo paracetamol hoặc ibuprofen. Đây là 2 loại thuốc giảm đau có thể dễ dàng mua tại các nhà thuốc mà không cần kê đơn từ bác sĩ. Trong đó ibuprofen còn có thêm tác dụng kháng viêm. Nhưng hãy nhớ sử dụng đúng liều lượng theo tư vấn từ bác sĩ, dược sĩ bán thuốc hoặc hướng dẫn trên bao bì để tránh quá liều nhé!

6. Đau răng khôn nên ăn gì và kiêng gì?

6.1. Đau răng khôn nên ăn gì?

Khi bị đau răng khôn, bạn nên ăn:

  • Các thực phẩm mềm, dễ nuốt để hạn chế hàm phải hoạt động nhiều gây đau. Như: cháo, súp,…
  • Thức ăn giàu canxi để hỗ trợ quá trình mọc răng thuận lợi. Như: tôm, cua, cá,… 
  • Nhóm rau củ, quả để bổ sung vitamin giúp thanh nhiệt, tăng cường sức đề kháng.  

6.2. Thực phẩm cần tránh khi đau răng khôn

  • Thực phẩm nhiều đường. Vì chúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây hại phát triển và tiết axit phá hủy men răng
  • Thực phẩm cứng khiến việc nhai nuốt khó khăn
  • Thức ăn nhiều mảng vụn hay quá dẻo dễ dắt lại trong kẽ răng
  • Thực phẩm dễ gây sưng viêm như: bánh chưng, xôi, thịt gà, rau muống…
  • Đồ uống kích thích như: rượu, bia,…

7. Nhổ răng khôn có đau không?

Khi nghe đến cụm từ “nhổ răng khôn”, ít ai trong chúng ta lại không cảm thấy sợ hãi. Thậm chí khi đã biết răng khôn mọc lệch, từng đau nhức vì răng khôn nhưng vẫn trì hoãn nhổ bỏ chúng. 

Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng quá nhé! Hiện nay, với kỹ thuật ngày càng phát triển và sự trợ giúp của các công nghệ hiện đại như công nghệ nhổ răng khôn siêu âm Piezotome thì thời gian nhổ răng đã được rút ngắn đáng kể. Có thể chỉ cần 30 – 60s nếu chiếc răng khôn của bạn mọc thẳng, chân chụm. Nhổ răng nhẹ nhàng hơn và hạn chế tổn thương nướu.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ gây tê cho bạn với liều lượng thuốc tê phù hợp để đảm bảo trong suốt quá trình nhổ răng bạn không bị đau. Sau đó khi nhổ răng hoàn tất, cảm giác ê buốt nhẹ và hơi sưng sẽ diễn ra trong khoảng 3 ngày hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ kê thêm cho bạn các loại thuốc giảm đau. Kết hợp với việc lưu ý trong chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng sạch sẽ thì tình trạng này sẽ nhẹ nhàng và sớm chấm dứt.

Bên cạnh đó, với các trường hợp phải mổ can thiệp thì chỉ khâu được sử dụng là những chỉ tiêu có khả năng tự hủy. Nên bạn yên tâm không phải đi cắt chỉ nữa nhé!

Cảm giác ê buốt răng sau khi nhổ răng khôn là điều không thể tránh. Tuy nhiên, so với việc răng khôn mọc lệch tiếp tục gây đau, răng khôn bị sâu và ảnh hưởng răng hàm số 7 bên cạnh thì việc nhổ bỏ chúng vẫn là điều bạn nên làm.

8. Không nhổ răng khôn có sao không?

Nếu như răng khôn của bạn đã mọc thẳng, không gây đau nhức, không bị sâu thì bạn không nhất thiết phải nhổ răng khôn. Tuy nhiên, đừng quên vệ sinh răng miệng hàng ngày với chỉ nha khoa, kem đánh răng phù hợp và đánh răng đúng cách để phòng tránh sâu răng khôn nhé!  

Bên cạnh đó, có 2 trường hợp không được nhổ răng khôn mà bạn cần lưu ý:

  • Người mắc các bệnh mạn tính như: rối loạn đông máu, tim mạch, tiểu đường,…
  • Răng khôn liên quan trực tiếp tới các tổ chức quan trọng như dây thần kinh, xoang hàm,…

Khi bị đau nhức, các cách giảm đau khi mọc răng khôn tại nhà thường chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi răng khôn thường không mọc hết 1 lần như những răng hàm khác mà sẽ chia ra thành nhiều đợt. Đây còn là vị trí khó vệ sinh nên rất dễ xảy ra sâu răng, viêm lợi, viêm tủy răng, áp xe răng,…

Nên khi có các triệu chứng đau răng khôn – đau răng số 8, bạn nên đến khám nha sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, tình trạng bệnh và có giải pháp điều trị phù hợp. Đồng thời, hãy nhớ giữ vệ sinh răng miệng hàng ngày sạch sẽ nhé! Hành động này tuy nhỏ nhưng sẽ giúp bạn có hàm răng chắc khỏe, tự tin và đầy lùi biến chứng khó chịu do mọc răng khôn.  

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here